Mãn Đường Hoa Thải

Chương 173 : Khoa cử thí

Người đăng: Bạch Tiểu Thái

Ngày đăng: 19:20 02-05-2025

Bên ngoài trường thi, tiếng trẻ con khóc không ngừng vang lên. “Phụ thân ơi!” “Khóc cái gì, hắn không phải là phụ thân chúng ta, không phải đâu!” Tiết Tiệm bận túi bụi, vừa bịt miệng đệ đệ, lại phải bịt luôn miệng muội muội. Cùng lúc đó, thật sự có mấy chủ nợ đang sai gia nhân đuổi theo Tiết Linh, quả thật trong số người đi thi cũng có vài kẻ quyền quý mê cờ bạc. “Thấy người đó chưa? Áo vải màu nâu, mắt nhỏ, mỏ nhọn.” Lão Lương chạy vài bước, khẽ nói với Khương Hợi đang cải trang thành người bán hàng rong, “Ta đưa người rời đi, ngươi bám theo hắn, xem là ai phái hắn tới.” “Được.” Lão Lương giơ tay ra hiệu, một số người của họ đang rải rác xung quanh lập tức tách đám chủ nợ ra. Những người này bề ngoài là người làm thuê, thực chất đều là thám tử, tay chân dưới quyền Đỗ Cấm và Đạt Hề Doanh Doanh. Khương Hợi lặng lẽ đi theo phía sau. Ra ngoài Hoàng thành, bên cạnh An Thượng môn, hai huynh đệ Điền Thần Công, Điền Thần Ngọc đang cười đùa với hai gã Tuần nhai sử của Kim Ngô Vệ, khiến cho chẳng ai trong số họ để ý đến Tiết Linh đang bị người kéo chạy vội vã. Khương Hợi có phần ghen tị với Điền thị huynh đệ, nghĩ nếu Tiết Bạch được ngoại phóng làm cao quan, thì liền có thể cho bọn họ một thân phận đường đường chính chính. Một mạch đến gần khu Đông thị, Lão Lương cố ý cắt đuôi tất cả người theo đuôi, dẫn Tiết Linh lẩn vào trong đám đông, biến mất không thấy. Bóng dáng gầy gò mặc áo vải nâu mất dấu người cần theo, gãi đầu một cái, rồi xoay người đi về hướng Thắng Nghiệp phường. Khương Hợi âm thầm bám theo, cuối cùng dừng lại ở bên cửa hông của một tòa phủ đệ rất lớn. Sau khi theo dõi một lúc, hắn thấy lần lượt năm người mặc áo vải nâu vào trong phủ đệ này. Cuối cùng, Khương Hợi vòng sang cổng chính thăm dò một phen, không khỏi nhếch miệng cười nhạo, rồi quay về Đạo Chính phường cáo tri Đạt Hề Doanh Doanh. ~~ “Trương Tứ?” Đến chiều, Đỗ Cấm biết được kết quả, có phần kinh ngạc. Phản ứng đầu tiên của nàng cho rằng chuyện này lại do Đông Cung làm, nhưng sau đó nghĩ lại, cảm thấy có chút nghi hoặc. “Chủ nhân của phủ đệ đó là Lý Đàm, chính là phu quân của Trương Tứ.” Đạt Hề Doanh Doanh nói: “Đôi phu thê này ta rất quen thuộc, bọn họ thường xuyên đến sòng bạc của ta. Trương Tứ thì không cần nói nhiều, là trưởng tỷ của Lương đệ Trương Đinh, còn Lý Đàm xuất thân từ Triệu quận Lý thị, thân phận cũng cao quý.” “Vậy ngươi thấy thế nào?” “Xét từ bề ngoài, cho đến giờ vẫn chỉ là tiểu sự. Vì một suất tiến sĩ mà tung tin đồn, chuyện này ai cũng có thể làm được, tạm thời chỉ có thể nói Trương Tứ muốn nhân cơ hội tìm ra Tiết Linh.” Vừa nói, Đạt Hề Doanh Doanh vừa mở sổ ghi nợ trong tay, đưa cho Đỗ Cấm. “Nhị nương có thể không tin, nhưng ta xin nói một suy đoán đơn giản nhất. Trương Tứ là một trong những chủ nợ lớn của Tiết Linh, chỉ riêng món nợ gốc lẫn lãi đã gần một ngàn quan, nàng phái người tìm hắn cũng là điều hợp tình hợp lý.” Shi nợ này thật khiến người ta giật mình, tài sản của Tiết Linh chưa đến một ngàn quan, vậy mà có thể nợ một khoản lớn đến vậy. Dĩ nhiên, Trương Tứ chưa chắc thực sự muốn Tiết Linh hoàn trả món nợ đó, ví dụ như có thể mượn cơ hội để khiến Kim Ngô Vệ Tướng quân Tiết Huy mở miệng nợ nàng một ân tình, ít nhất cũng có thể đổi lấy đặc quyền được ra ngoài ban đêm trong giờ giới nghiêm. “Nhưng khả năng lớn hơn...” Giọng Đạt Hề Doanh Doanh bỗng thay đổi, “Có người không muốn lang quân thuận lợi nhập sĩ, cố ý gây chút rắc rối cho hắn…” ~~ Lễ bộ nam viện. Các sĩ tử đã bắt đầu thi thiếp kinh, toàn bộ Nam viện trở nên yên tĩnh, chỉ vang lên tiếng sột soạt khi lật giấy. Thiếp kinh tương tự như điền vào chỗ trống trong câu danh ngôn, thi khoa Tiến Sĩ thì phần này đơn giản hơn so với khoa Minh Kinh, chỉ khảo một bộ kinh, ra mười câu hỏi, trả lời đúng năm câu trở lên là qua. Tiết Bạch sớm lấy được đề thi, biết kỳ này thi là Chu Lễ, đã chuẩn bị ôn luyện từ trước, lúc này mở ra bài thi xem thử, quả là thế. Hắn bình tĩnh mài mực, cầm bút, dùng thể chữ Nhan Khải xinh đẹp điền vào những chỗ bị khuyết. Đến câu thứ sáu thì gặp một cái bẫy nhỏ. Đề cho hai đoạn là “chưởng giao chưởng dĩ tiết dữ tệ tuần bang quốc chi gia hầu” và “đạo vương chi đức ý chí lự”, Tiết Bạch thì điền thêm vào “cập kỳ vạn dân chi sở tụ giả”. Khi viết chữ “Dân” (民) hắn hết sức cẩn thận không viết đầy nét dọc, để lại một khe hở nhỏ, để tránh phạm húy Đường Thái Tông. Sai một hai câu không sao, cùng lắm là ảnh hưởng đến thứ hạng, nhưng nếu có tì vết như viết sai chữ hay phạm kỵ húy thì sẽ cho người khác cơ hội mượn cớ công kích, dù Ca Nô ngầm cho phép hắn cập đệ, cũng sẽ không lên tiếng bênh vực. Nếu ngay cả tị huý cũng không biết, thì đừng mơ đến danh hiệu trạng nguyên mà Thánh nhân từng đùa cợt hứa hẹn, thậm chí cập đệ cũng khó có khả năng. Tiết Bạch cẩn thận hoàn thành mười câu hỏi, trong lúc làm viết sai ba chữ, liền chép lại từ đầu, sau đó kiểm tra danh tính quê quán kỹ càng, bảo đảm sẽ không xuất hiện sai xót. Lúc này, hắn mới đặt bút xuống, thở phào một hơi. Hắn đã chuẩn bị chu toàn, từ gia thế, danh vọng, thánh ân, thậm chí còn lấy được đề trước, nhưng vẫn giữ thái độ phi thường thận trọng. Trong trường thi đã có không ít người nộp bài, những người còn chưa làm được thì về cơ bản là đã bí, gãi đầu bứt tai cũng vô ích. Tuy nhiên, Đại Đường quả thực không thiếu người ngông cuồng, có mấy thí sinh không viết chữ nào, đợi đến lúc thu bài thì mặt dày tuyên bố thi phú của họ vô song thiên hạ, muốn dùng thi phú để “chuộc thiếp”. Cái gọi “chuộc thiếp”, chính là lệ thường trong khoa cử Đại Đường, có sĩ tử tiếng tăm lừng lẫy, vốn đã được định sẵn tên trên bảng vàng, nhưng lại trượt phần thiếp kinh, buộc quan chấm thi phải ra đề thơ, vô tình để cho bọn họ qua ải. Trong mắt Tiết Bạch, chẳng khác nào gian lận trắng trợn. …… Hôm sau là phần thi sách vấn. Tiết Bạch nhận đề thi, vừa mở ra đã nhìn ngay vào câu hỏi đầu tiên: “Hỏi: Thổ Phồn đã là mối lo của Đại Đường từ lâu. Nếu phòng bị, thì phải điều động binh mã khắp nơi, khiến phụ mẫu thê tử khóc than, dân chúng mệt mỏi vì phải cống nạp lương thực và quần áo; Nếu không phòng bị, thì tất sẽ rình rập sơ hở của ta, công phá thành ấp, cướp đoạt châu báu và nữ nhi, giết hại người già, bắt trói trai tráng đem về. Xưa nay các đế vương chẳng lẽ không có sách lược để tiêu diệt man di? Sao biên cương đến nay vẫn bất ổn đến thế? Các ngươi giấu tài chờ thời, trình bày sở học, hãy vận dụng cổ kim chi sự, nêu rõ sách lược công thủ.” Xem tiếp bốn câu hỏi sau, quả nhiên giống hệt đề hắn đã có được trước đó. Nếu hoàng đế thật sự nghiêm túc muốn hỏi kế sách trị Thổ Phồn, Tiết Bạch sẽ từ khí hậu, địa thế, tôn giáo, dân sinh mà phân tích; theo chủ trương của hắn, muốn diệt Thổ Phồn thì phải “lấy thời gian tiêu diệt”, kéo dài mấy chục năm, thậm chí hai ba đời người. Nhưng mà trên thực tế, Lý Long Cơ đã có sẵn tính toán trong lòng, đến cả kiến nghị của Vương Trung Tự còn không nghe, thì sao có thể nghe lời của những sĩ tử? Đây rõ ràng lại là một cái bẫy nữa. Phần thi sách vấn hôm nay, ngoài học thức, kiến giải, còn khảo cả mức độ "biết điều". Tiết Bạch lo cho tiền đồ của mình, không lắm miệng, cứ thuận theo tâm ý của đế vương mà trả lời. Trong bài sách vấn của hắn, toàn là những câu văn hay nhất được đúc kết bởi những tay lão luyện trong khoa trường. “Thần xin đối: Thần nghe rằng nỏ ngọc đã giương tên, chiếu sáng oai nghi cõi Tử Vĩ; phương tây đã cảnh giới, sát khí dâng tụ đến tận tầng mây đỏ rực. Cúi xin bệ hạ nhận lấy mệnh trời quang minh, thuận lòng dân yêu kính, tóm thâu huyền vi mà thành thần, bao trùm hỗn độn mà thành đạo. Từ đó, vận hành nhật nguyệt để trị quốc, vận mưa sấm lửa nước để nuôi dân, tuyên dương đạo đức nhân nghĩa để an dân, đề cao lễ nhạc hình pháp để nghiêm chỉnh quốc gia…” “Chế sách viết: Tìm mưu thần định kế, thắng địch ngay bàn tiệc; chọn danh tướng giữ biên, hàng phục giặc ngoại xâm. Trần Thang chém Thiền Vu, Phó Giới Tử hành thích Lâu Lan, Phùng Phụng Thế bình Toa Xa, Ban Siêu định Tây Vực, đều là những công thần thời Hán. Đại Đường ta rực rỡ, anh kiệt lớp lớp, xưa Lý Tín đại chinh Bắc Địch, dẹp sạch tù trưởng man di, khiến mục mã không dám xuôi nam, nay quân ta từ Lũng Phản đến tận Thạch Bảo, sừng sững như tường thành...” Tóm lại, là một bài sách vấn lưu loát hoa mỹ, từ dùng người viết đến đóng quân, toàn là những lời ngợi ca và sách lược khuôn mẫu cũ, chẳng có chút sáng tạo nào. ~~ Trời dần tối, trong chính sảnh của Lễ bộ nam viện, các lại viên đang tất bật thu bài thi, còn các giám khảo thì bước lên lầu các, từ trên cao quan sát, vừa hay có thể quét nhìn toàn bộ các sĩ tử đang làm bài trong phòng thi bên dưới. Đạt Hề Tuần không nhìn những sĩ tử, mà ngồi xuống bên chiếc ải án, tự tay pha trà, lặng lẽ quan sát các quan viên trong lầu các. Danh sách đỗ tiến sĩ thật ra đã được soạn sẵn, tuy do Hữu tướng quyết định, nhưng Hữu tướng là người thông tình đạt lý, cơ bản sẽ để các phe phái đều hài lòng. Hoàng thân quốc thích, danh môn vọng tộc, thậm chí cả các đối thủ chính trị trên triều, đều đã tiến cử sĩ tử của mình, những cuộc đàm phán, trao đổi đều đã hoàn thành trước kỳ thi, tại trường thi chỉ cần điều chỉnh một chút, quyết định thứ hạng mà thôi. Điều Đạt Hề Tuần quan tâm nhất lại là Dương Chiêu — vị ngự sử trung thừa mới nhậm chức này lại cứ khăng khăng để nhi tử thi Minh Kinh, mà không chịu tránh hiềm nghi, nếu chuyện này bị đồn đại không hay, sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của hắn. “Tả tướng đến.” Theo tiếng thông truyền, Trần Hi Liệt bước lên lầu các, phong thái nho nhã, mỉm cười khoát tay bảo mọi người không cần đa lễ, sau đó quay sang hỏi Thôi Kiều: “Mọi chuyện vẫn ổn chứ?” Từ khi khai khảo đến giờ, sắc mặt Thôi Kiều luôn âm trầm, lúc này nghe hỏi, hắn chỉ ngẩng đầu đáp gọn: “Tạm ổn.” Hắn là đích tử của Thanh Hà Thôi thị, phụ thân Thôi Dung chính là trọng thần thời Võ Chu, từng cùng Tô Vị Đạo, Lý Kiệu, Đỗ Thẩm Ngôn xưng là “Tứ Hữu Văn Chương”, danh vọng khắp thiên hạ; Mẫu thân hắn thì xuất thân từ Kinh Triệu Đỗ thị. Nói chung gia thế của hắn bất phàm, trong triều lại ít dính líu phe phái, đối với Lý Lâm Phủ thì khách sáo nhưng không lệ thuộc, thậm chí có phần coi thường Trần Hi Liệt. “Thánh nhân đã hứa hẹn ban trạng nguyên cho Tiết Bạch, chuyện này cũng chỉ có thể như vậy thôi.” Trần Hi Liệt nói: “Bài thiếp kinh của hắn thế nào?” “Đúng chín trên mười, thượng giai.” Thôi Kiều nhàn nhạt đáp. “Xem ra cũng có chút tài học.” Trần Hi Liệt không để ý đến thái độ lạnh nhạt của hắn, vuốt râu khen một câu, rồi quay sang Dương Chiêu, cười hỏi: “Lão phu nghe nói Tiết Bạch vẫn chưa hôn phối, có thật không?” Dương Chiêu cười to, đáp: “Tả tướng định gả tiểu nữ cho nghĩa đệ của ta sao? Nhưng chớ quên, Thánh nhân định ban hôn sự cho hắn rồi đấy.” Thôi Kiều nghe vậy, bỗng nói: “Dương trung thừa, đã nhi tử và nghĩa đệ ngươi đều cùng dự thi kỳ này, chẳng phải ngươi nên tránh hiềm nghi sao?” “Ha ha, ta không chấm bài, chỉ đợi các vị định xong danh sách, ta xem qua một lần thôi mà.” “Tránh để người khác dị nghị thì vẫn hơn.” Thôi Kiều lo lắng nói: “Có thể phái một vị ngự sử ra mặt, còn danh sách cuối cùng vẫn do Dương trung thừa xem xét lại là được.” Dương Chiêu quả thật cũng bắt đầu thấy phiền, liền gọi Ngự sử Dương Quang Kiều đến, dặn dò hắn ở lại giám sát chặt chẽ tại Cống viện, đảm bảo những người do phe Dương tiến cử đều có tên trong danh sách. Nếu có điều gì bất thường, lập tức đến Nam Khúc tìm ông. Dương Quang Kiều là tâm phúc của Dương Chiêu, lập tức đáp: “Xin trung thừa yên tâm, hạ quan sẽ giám sát kỹ lưỡng, tuyệt đối không để xảy ra sự cố.” ……. Thôi Kiều bước đến lan can, nhìn theo bóng lưng của Dương Chiêu, bỗng nhớ ra một chuyện, quay sang hỏi: “Nói đến thánh ý, ta nghe một chuyện, muốn hỏi Tả tướng.” Trần Hi Liệt mỉm cười: “Thôi công cứ hỏi, đừng ngại.” “Nghe nói Thánh nhân từng định ban cho Vương Như Thử - nữ tế của một vị cung phụng trong cung – một suất tiến sĩ, nhưng Hữu tướng đã chỉ thị Trung Thư Tỉnh hạ điệp từ chối chuyện này, bảo rằng đường lối tuyển chọn nhân tài quốc gia không thể vì thánh ân mà lơi lỏng. Vậy thì bây giờ cớ gì chưa thi xong đã định Tiết Bạch làm Trạng nguyên rồi?” “Chuyện này, lão phu chưa từng nghe qua.” Trần Hi Liệt khoát tay áo, không muốn bàn đến chuyện giữa Thánh nhân và Hữu tướng. Thôi Kiều thấy hắn tránh né như vậy, bèn quay sang hỏi Đạt Hề Tuần. Đạt Hề Tuần tuy quan vị không bằng Thôi Kiều, lại bật cười, nhỏ giọng đáp thật: “Thôi công nên hiểu, thánh ý cũng có thật có giả.” “Vậy chuyện chỉ định Tiết Bạch làm Trạng nguyên, là thật hay giả?” Đạt Hề Tuần thoáng sững người, đúng lúc này, các lại viên bắt đầu thu bài sách vấn, ngắt lời bọn họ. Các giám khảo liền xem qua một số bài quan trọng, Đạt Hề Tuần chỉ vào bài của Tiết Bạch, rồi mỉm cười nói: “Hảo văn chương a, chữ viết cũng không tệ. Như vậy thì, thánh ý là thật hay giả, chẳng phải đã rõ ràng sao?” Thôi Kiều lúc này mới thở phào nhẹ nhõm, vuốt râu gật đầu. “Đi ăn thôi.” ……. Đến đêm, các giám khảo cùng tụ họp tại đại sảnh Thượng Thư Tỉnh ăn tối. Trong sảnh đèn đuốc sáng trưng, trên bàn bày đầy cao lương mỹ vị, đều do Lại Bộ cung cấp, Trần Hi Liệt giữ chức Tả tướng kiêm Lại bộ thượng thư, chuyên môn phụ trách chuyện này. Trần Hi Liệt không có quyền trực tiếp quyết định danh ngạch, nhưng cần thay Lý Lâm Phủ căn dặn một vài điều. “Xét bài sách vấn phải đặc biệt lưu ý, xem có sĩ tử nào chỉ trích triều đình, công kích các quan lớn hay không, nếu kiểm soát không nghiêm, để lọt tin đến tai Thánh nhân, thì chúng ta chỉ còn nước từ quan thôi!” “Xin Tả tướng yên tâm, chuyện này trọng yếu nhất, chúng ta nhất định sẽ cẩn thận đối đãi!” “Hảo hảo hảo.” Trần Hi Liệt cười nói: “Mời nếm thử món ngư quái này.” Hoàn thành việc của mình, hắn thong thả ngồi xuống, cùng Đạt Hề Tuần trò chuyện, tỏ ra tò mò: “Sao Thôi Kiều hôm nay cứ như mang nặng tâm sự, hỏi mấy chuyện chẳng liên quan gì?” “Có lẽ hắn lo rằng nếu Tiết Bạch được chọn làm Trạng nguyên, người ta sẽ nói hắn chỉ biết thuận theo thánh ý. Lại sợ Hữu tướng không muốn Tiết Bạch đăng bảng, nên mới thử dò xét.” “Quả là một người hiểu đạo làm quan a.” Trần Hi Liệt bình luận. Đạt Hề Tuần bồi tiếu hai cái, nhưng trong lòng không khỏi âm thầm mỉa mai: “Triều đình này còn ai hiểu đạo làm quan hơn ngươi nữa chứ.” …….. Ngày kế tiếp, khảo là thi phú. Đây là phần thi quan trọng nhất trong ba phần thi, bởi Đại Đường đặc biệt coi trọng thi phú. Đến giờ, bảng đề được đưa lên lầu hai, trước tiên được quan chủ khảo Thôi Kiều xem qua, rồi gật đầu nói: “Xin mời Tả tướng xem qua.” Trần Hi Liệt chỉ đến để giết thời gian, mỉm cười nói: “Đề do quan chủ khảo ra, lão phu làm sao có ý kiến? Nhưng nhìn sơ, quả là một đề hay, rất hay.” “Hảo.” Thôi Kiều nói: “Ra đề.” “Bắt đầu!” “Ra đề!” Một tấm bảng đề được treo lên lầu hai, để hai gian thi bên dưới đều có thể nhìn thấy, đồng thời có tiểu lại lớn tiếng đọc đề. Những năm trước, khoa cử có khi chỉ thi thơ, có khi chỉ thi phú, có khi thi cả hai. Năm Thiên Bảo thứ bảy này, khoa Tiến Sĩ thi cả thi và phú. “Đề phú《 Giám Chỉ Thủy Phú 》, với vần ‘trừng hư nạp chiếu, ngộ tượng phân hình’, có thể dùng vần không theo thứ tự.” ... Tiết Bạch đang ngay ngắn ngồi trong gian thi, nghe đề xong, trong ánh mắt hiện lên nét cười khó hiểu. Bởi vì Nhan Yên đã giúp hắn viết sẵn bài phú này, giờ đây từng câu từng chữ đang hiện rõ trong đầu. “Dĩ thủy vi giám giả, bất cầu kỳ quảng đại, nhi quý tại trừng đinh, bôn lưu tắc khí tượng mạc biện, tĩnh tức tắc tiêm giới tất hình, như kim kính chi trạm tịch, nhược lưu ly chi chí hư….” Hắn cầm bút, trước tiên viết nhan đề bài phú, khi ngòi bút chạm xuống trang giấy trắng, mới viết được hai chữ thì bất chợt khựng lại. Lúc này, tiểu lại cao giọng đọc đề thơ, Tiết Bạch ngẩng đầu nhìn lên bảng đề, ánh mắt hiện rõ sự nghi hoặc... ~~ Tiết Bạch nhận được đề thơ từ Dương Chiêu là《 Long Trì Xuân Thảo Thi 》, vì vậy đã cùng Nhan Yên cân nhắc kỹ lưỡng, chuẩn bị sẵn một bài thơ tả về cảnh đẹp hồ Long Trì trong Hưng Khánh cung. Thế nhưng, lúc này đề thơ trong Lễ bộ nam viện lại không phải đề này. Các đề thi khác trong kỳ này đều giống với đề mà hắn đã biết trước, chỉ riêng đề thơ bị đổi… Dù vậy, vấn đề cũng chưa đến mức nghiêm trọng, hắn dự định sẽ tự sáng tác một bài thơ. “Đề thơ là《 Tương Linh Cổ Sắt 》, chọn một chữ làm vần cuối, sáu vần, mười hai câu!” Tiết Bạch cau mày, ghi lại đề bài và yêu cầu về vần điệu, rồi không vội vàng, cẩn thận hoàn thành bài phú trước, chép lại một lượt, chắc chắn không có sai sót nào, sau đó mới bắt đầu suy nghĩ làm thơ. Lúc này đã quá giờ Ngọ, hắn vừa lấy điểm tâm ra ăn, vừa cân nhắc đổi sang một bài thơ khác, cho dù không hay, không cần tranh Trạng nguyên, chỉ cần đủ để đỗ tiến sĩ là được. Nhưng khi hắn lại nhìn lên đề thơ, ánh mắt bỗng ngưng lại, trong khoảnh khắc bừng lên tia giận dữ. Phạm kỵ húy. Khoa cử Đại Đường, sĩ tử tuyệt đối không được viết tên phụ, tổ của mình vào bài thi, trong khi đề thi hôm nay là《 Tương Linh Cổ Sắt 》, tên phụ thân trên danh nghĩa của Tiết Bạch lại là “Tiết Linh”. Lúc này, chuyện hắn nên làm là, lập tức xin phép giám khảo rút lui vì đau ngực, như vậy sẽ được đưa ra ngoài nghỉ ngơi, kỳ thi năm nay coi như trượt. Còn nếu tiếp tục làm bài, thì sẽ mang tội bất kính, danh tiếng bị hủy, tiền đồ tiêu tan. Trong trường thi Đại Đường, muốn hủy hoại nỗ lực của một sĩ tử, so với thế này còn có nhiều cách dễ dàng hơn nhiều. Hiển nhiên đây là Thôi Kiều cố ý ra đề để ép hắn trượt. Thế nhưng Tiết Bạch không rời đi, thậm chí ngay cả bút lông trong tay cũng chưa từng buông. ……. Thời gian từng chút trôi qua, ánh nắng chiếu xuyên qua khe rèm trúc, đã có thí sinh đặt bút xuống. Việc làm thơ trong kỳ thi rất khó, yêu cầu phải bám sát đề bài, không được lạc đề. Ngoài luật thơ, còn bị giới hạn về nội dung. Đề này xuất phát từ《 Sở Từ 》chi “Sử Tương Linh gảy đàn sắt, lệnh Hải Nhược múa cùng Phùng Di” — kể về sau khi Đế Thuấn mất, được chôn ở núi Thương Ngô, vợ của hắn gieo mình xuống sông Tương tự vẫn, hóa thành thần nữ của sông Tương, thường gảy đàn sắt bên bờ sông, dùng tiếng đàn để bày tỏ nỗi bi thương. Cuối cùng, Tiết Bạch mở mắt, đặt bút viết ra một bài thơ. “Duy mộ vãn yên tẫn, tam tương túc vũ đình.” “Thần cơ phất dao sắt, tùng trúc nhị phi minh.” “Diệu chỉ phù thanh lại, hương ngân uyển hữu hình.” “Nhất đạn thu nguyệt bạch, tái tấu thủy vân linh.” “Khách khứ lan chu viễn, thì diêu đế tử linh.” “Khúc chung nhân vị hiện, giang thượng sở sơn thanh.” Bài thơ này không quá xuất sắc, nhưng là do chính Tiết Bạch tự viết ra. Thế nhân chỉ thấy hắn luồn cúi, tính toán bên ngoài trường thi, ít ai biết hắn thật sự bỏ công bỏ sức học hành, dù gặp nhiều khó khăn trong việc học thanh vận của thơ Đường, dù khả năng tiến bộ trong một năm là có hạn. Hắn vì tương lai mà không từ thủ đoạn, điều này là thật. Nhưng hắn cũng không tiếc mồ hôi công sức, dốc lòng dốc sức cho mục tiêu. Hắn chưa bao giờ mơ mộng thành công mà không cần nỗ lực, ngồi mát mà ăn bát vàng. Chính vì từng giọt mồ hôi, từng đêm thức trắng ấy, nên hắn mới tin rằng mình xứng đáng, tin rằng mình có thể thành công — từ đó bản thân luôn tự tin, bình tĩnh, kiên cường, quyết không bỏ cuộc. ___________ *“Chưởng giao - chưởng dĩ tiết dữ tệ tuần bang quốc chi gia hầu, cập kỳ vạn dân chi sở tụ giả, đạo vương chi đức ý chí lự.”: chưởng giao (bộ trưởng bộ ngoại giao) mang theo tiết (tín vật) và tệ (lễ vật) để đi tuần thăm các chư hầu của các nước trong thiên hạ, cũng như những nơi dân chúng tụ tập, để truyền đạt đức hạnh, ý chí và mưu lược của thiên tử. *cõi Tử Vĩ: tượng trưng cho nơi ở của thiên tử. *ải án: 矮案. *hạ điệp: gửi công văn xuống. *ngư quái (Kuai): là một món ăn của Trung Quốc bao gồm các dải thịt hoặc cá sống được cắt nhỏ, rất phổ biến trong các triều đại đầu tiên của Trung Quốc. *Đề phú《 Giám Chỉ Thủy Phú 》, với vần ‘trừng hư nạp chiếu, ngộ tượng phân hình’: Phú về nước lặng như gương, chỉ cần có 8 chữ ‘trừng, hư, nạp, chiếu, ngộ, tượng, phân, hình’ ở cuối câu là được, không phân thứ tự. *“Dĩ thủy vi giám giả, bất cầu kỳ quảng đại, nhi quý tại trừng đinh, bôn lưu tắc khí tượng mạc biện, tĩnh tức tắc tiêm giới tất hình, như kim kính chi trạm tịch, nhược lưu ly chi chí hư…….” “Lấy nước làm gương, không cầu rộng lớn, mà quý ở sự lắng trong, chảy xiết thì hình bóng mờ ảo, lặng yên thì sợi tóc cũng hiện rõ hình, như gương vàng sâu tĩnh tuyệt đối, như lưu ly hư tĩnh hoàn toàn…….” * “Duy mộ vãn yên tẫn, tam tương túc vũ đình.” ~Chiều tà khói tan, Tam Tương mưa tạnh. ["Tam Tương": Chỉ ba nhánh sông Tương (Tiêu Tương, Tương Giang, Vĩnh Tương)] “Thần cơ phất dao sắt, tùng trúc nhị phi minh.” ~Thần Cơ nhẹ gảy đàn ngọc, sau bụi trúc Nhị Phi mờ dần. ["Thần Cơ": Nữ thần sông Tương, Nhị Phi: Hai nàng phi tử của Đế Thuấn (Nga Hoàng, Nữ Anh)] “Diệu chỉ phù thanh lại, hương ngân uyển hữu hình.” ~Ngón tay diệu vợi ngân khúc thanh tao, vết hương như có hình hài hiện rõ. [Vết hương: chỉ dấu vết của mùi thơm, thường dùng tượng trưng cho ký ức, tình cảm đã mờ nhạt nhưng vẫn còn sâu đậm] “Nhất đạn thu nguyệt bạch, tái tấu thủy vân linh.” ~Gãy một khúc thu nguyệt bạch, lại tấu lên thủy vân linh. [Chuyển đổi từ ánh trăng ấm áp sang không gian lạnh lẽo, thể hiện sự biến tấu của âm nhạc.] “Khách khứ lan chu viễn, thì diêu đế tử linh.” ~Khách đi, thuyền lan xa khuất; thời cách, hồn thiêng Đế tử còn vương. [Đế tử chỉ con của Đế Nghiêu, tức Nga Hoàng, Nữ Anh (sau này gả cho Đế Thuấn)] “Khúc chung nhân vị hiện, giang thượng sở sơn thanh.” ~Khúc tàn người chẳng thấy, chỉ mình ta ôm nỗi nhớ bên sông. *thanh vận: cách gieo vần.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
 
Trở lên đầu trang